Vùng ĐBSCL giàu thủy sản đã được nhiều người nơi đây đam mê sáng tạo, hợp tác làm ra sản phẩm hấp dẫn người tiêu dùng và không bao giờ thất bát.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long giàu thủy sản vào thời hội nhập đã được nhiều người nơi đây đam mê sáng tạo, hợp tác gần xa chế biến ra những sản phẩm giá trị gia tăng hấp dẫn người tiêu dùng.
Vợ chồng đam mê
Vùng đất lúa – tôm ở ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nhiều năm nay khá nổi tiếng Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê với Giám đốc Mã Văn Hồng.
Dáng ông dong dỏng, nước da rám nắng, cười cởi mở mang nhiều nét phóng khoáng của con người vùng đất cực Nam, nhưng nói chuyện từ tốn, rõ ràng để lộ sự tinh anh, chu đáo.
Ông kể quá trình ra đời Hợp tác xã mà bây giờ sản phẩm đã được nhiều người ở Hà Nội, Quảng Ninh tin dùng: Năm 2009 thành lập Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật để liên kết sản xuất lúa năng suất cao, chất lượng tốt ký hợp đồng đầu ra ổn định. Dần dần phát triển con tôm trở thành sản phẩm chính mới ra đời Hợp tác xã vào năm 2014.
Nay Hợp tác xã có 73 thành viên với 83 ha lúa – tôm, một năm trồng một vụ lúa vào mùa mưa, còn lại nuôi tôm. Trước đây chỉ nuôi tôm sú, gần đây nuôi cả tôm thẻ chân trắng, thêm cá rô phi. Hoàn toàn không dùng thuốc hóa học, kháng sinh trong canh tác lúa và nuôi tôm, cá.
“Chính cá rô phi có tác dụng làm sạch nguồn nước, diệt khuẩn rất tốt để nuôi tôm không bị dịch bệnh, không phải dùng kháng sinh. Sau đó, chất thải của tôm và cá lại tốt cho lúa”, ông Hồng giới thiệu.
Từ hồi canh tác lúa – tôm theo quy trình VietGAP, Hợp tác xã luôn đạt hiệu quả kinh tế, không năm nào thất bát dù có lúc thời tiết bất lợi khiến nhiều nơi lao đao.
Mấy năm gần đây, mỗi năm Hợp tác xã thu hơn 200 tấn tôm, 60 tấn lúa, 50 tấn cá rô phi. Năm 2019, giá tôm thấp kéo dài, Hợp tác xã giảm diện tích nuôi nhưng cũng đạt 170 tấn.
“Đặc biệt, từ năm 2018, Hợp tác xã thành lập Nhóm sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng để chế biến những thủy sản phụ thường bị lãng phí, đã tăng thêm thu nhập khá. Chẳng hạn làm chả cá rô phi đã đưa giá mỗi ký cá rô phi trước đây 4.000-5.000 đồng lên 13.000 đồng, bù cho tôm và lúa khi tuột giá”, ông Hồng cho biết.
Trưởng nhóm Sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng là vợ của ông Hồng, bà Huỳnh Thị Ly. Dáng người bà cũng dong dỏng, nói cười cởi mở, toát ra vẻ hay làm.
Bà chân thật bày tỏ: “Vợ chồng tôi làm được cũng nhờ Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS) là đơn vị trực thuộc Hội Nghề cá Việt Nam hỗ trợ đi đây đó mở rộng tầm mắt, còn hướng dẫn cho cách bảo quản sản phẩm tốt hơn. Lúc đầu, chúng tôi xay cá rô phi làm chả ăn trong nội bộ thấy ngon, dần dần phát triển bán ra ngoài”.
Sản phẩm giá trị gia tăng của Hợp tác xã hiện nay từ con cá rô phi có chả, khô, chà bông; từ con tôm có muối tôm, bánh phồng tôm; còn thêm kẹo chuối trồng trên đất sạch là bờ ruộng. Để có vốn, bà Ly vận động chị em trong Hợp tác xã đóng góp cổ phần, đến nay có 51 cổ phần, mỗi cổ phần 5 triệu đồng.
“Chúng tôi chia lãi theo quý, trung bình một cổ phần một quý được hơn 2 triệu đồng, tính ra một tháng lãi đạt khoảng 16% vốn góp, chị em trong Nhóm rất phấn khởi”, bà Ly cười vui vẻ.
Có thêm sản phẩm giá trị gia tăng, hai vợ chồng ông Hồng và bà Ly lại trực tiếp đem đi giới thiệu gần xa.
Ông kể một lần đem sản phẩm ra Hà Nội, gửi đường xe “quá gian nan”. Để đưa hàng từ Sóc Trăng ra Hà Nội phải qua mấy chặng xe, có lúc như không biết đâu mà lần vì chủ xe tắt điện thoại, kho trung chuyển nằm trong hẻm hóc, chỉ biết giao hàng cho lái xe mà không có chứng nhận, nhờ trời hàng cũng đến nơi.
Sau những gian nan, Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê đã liên kết được với hai hợp tác xã ở Hà Nội và Quảng Ninh để trao đổi hàng hóa, tiêu thụ cho nhau.
“Bước đầu liên kết, sản lượng chưa nhiều nhưng đã mở thêm niềm hy vọng thủy sản sinh thái ĐBSCL sẽ ngày càng đến được với người dân Việt Nam ở mọi miền đất nước”, ông Hồng bày tỏ.
Hợp tác sáng tạo
Hai vợ chồng ông Hồng bà Ly với Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê chỉ là đơn cử trong nhiều hợp tác xã/tổ hợp tác chế biến thủy sản giá trị gia tăng ở ĐBSCL trong những năm gần đây.
Với CAFIS được bà Ly nhắc ở trên, thời gian qua hỗ trợ 15 hợp tác xã/tổ hợp tác đạt chứng nhận quốc tế ASC và 2 hợp tác xã đạt chứng nhận BAP, từ đó thúc đẩy ký kết được 80 liên kết đầu vào chuyển giao công nghệ: thức ăn, con giống, chế phẩm sinh học, bạt lót ao tôm và 30 liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm. Kết quả, lợi nhuận của các hợp tác xã/tổ hợp tác vùng dự án tăng từ 10% – 20% hàng năm.
Và cũng chính sản phẩm giá trị gia tăng giúp ổn định và phát triển các phương thức hợp tác làm ăn. Nhiều hợp tác xã đã áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Một số hợp tác xã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Mới đây, tại diễn đàn thủy sản “Bước lên bước nữa – Chuyện người trong cuộc” tổ chức ở Cần Thơ, đại diện nhiều hợp tác xã đã chia sẽ những thành công.
Hợp tác xã Công nghệ cao Bạc Liêu có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm vào hàng bậc nhất, tôm giòn, tôm lụi, tôm khô, tôm chua, bánh tráng tôm đã được người tiêu dùng gần xa biết đến.
Hợp tác xã Thành Đạt ở tỉnh Bạc Liêu khai thác thế mạnh nuôi tôm đã có nhiều sản phẩm xuất sang Campuchia.
Còn Hợp tác xã Hưng Phú ở tỉnh Sóc Trăng tập trung phát triển sản phẩm giá trị gia tăng là tôm một gió đã đưa vào hệ thống siêu thị và phát triển thêm Trip Homestay.
Phó giám đốc ICAFIS Đinh Xuân Lập cho biết, hợp tác và liên kết đã kiểm soát được đầu nào với giá thành giảm từ 10% – 30% (tùy sản phẩm); đầu ra sản phẩm tăng từ 3% – 5%.
Bên cạnh, giảm dịch bệnh trong nuôi thông qua áp dụng các giải pháp cải tiến, nuôi thân thiện với môi trường. Với các liên kết của IAFIS tổ chức đạ thúc đẩy giải ngân cho vay trên 40 tỷ đồng theo mô hình chuỗi giá trị và đang tiếp tục mở rộng.
Đặc biệt, quảng bá và kết nối trực tiếp khách hàng từ thị trường châu Âu, châu Mỹ cho chuỗi đạt kết quả tốt, mở ra nhiều hứa hẹn.
Tuy nhiên ông Lập cũng cho biết còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế hợp tác hiện nay. Đó là, mô hình hợp tác xã chưa hoàn chỉnh nên vai trò quyết định cũng như điều phối, giám sát của ban giám đốc hợp tác xã chưa thực sự mạnh mẽ.
Đa số hợp tác xã/tổ hợp tác yếu về năng lực tài chính nên khó khăn trong thực hiện các liên kết đầu vào, trong lúc đa số các ngân hàng thương mại không mặn mà với mô hình cho vay theo chuỗi tôm do dư nợ trong nuôi tôm lớn và rủi ro cao.
“Còn tồn tại lợi ích nhóm trong cộng đồng gây cản trở quá trình thực hiện liên kết giữa công ty và hợp tác xã/tổ hợp tác. Cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty cung ứng đầu vào gây tình trạng dao động trong người dân tham gia liên kết chuỗi. Chưa có khung pháp lý, chế tài trong xử phạt các trường hợp phá vỡ liên kết hoặc không tuân thủ đầy đủ theo các quy định được đưa ra trong hợp đồng liên kết”, ông Lập nói.
SÁU NGHỆ – Mục Thời Sự nông nghiệp, Báo Nông nghiệp Việt Nam.