Huyện Mỹ Xuyên là một huyện thuần nông nằm ở phía Nam của tỉnh Sóc Trăng với diện tích đất nông nghiệp 32.573 ha, trong đó đất sản xuất mô hình luân canh tôm – lúa 17.700 ha. Do nằm tiếp giáp giữa nguồn nước ngọt và nguồn nước mặn, vùng sản xuất tôm – lúa của huyện có 06 tháng nước ngọt vào mùa mưa và 06 tháng nước lợ vào mùa khô. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng lúa và mùa mưa và nuôi tôm nước lợ (tôm Sú, tôm Thẻ) vào mùa khô.
Mô hình luân canh tôm – lúa được hình thành từ những năm 1990 và là mô hình điển hình của huyện Mỹ Xuyên cho giá trị sản xuất và lợi nhuận cao. Từ việc chỉ canh tác một vụ lúa mùa vào mùa mưa và bắt tôm tép tự nhiên vào mùa khô, nông dân đã thử nghiệm nuôi thành công tôm Sú trên vùng đất nhiễm mặn khi việc sinh sản nhân tạo đối tượng tôm he này đã được thực hiện thành công ở các tỉnh miền Trung. Từ đó, thay vì chỉ bắt tôm tép tự nhiên, nông dân vùng này đã nuôi tôm Sú vào mùa khô với diện tích ngày càng tăng, mùa mưa vẫn trồng lúa và hình thành nên mô hình luân canh tôm – lúa. Năm 2012, đối tượng tôm Thẻ chân trắng cũng đã được đưa vào nuôi và cùng với tôm Sú trở thành hai đối tượng nuôi chính của huyện. Từ khi thực hiện mô hình đến nay, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Mô hình được nhiều nhà khoa học đến từ các viện, trường trong và ngoài tỉnh đánh giá là mô hình phát triển bền vững, thân thiên với môi trường và đặc biệt thích ứng tốt với điều kiện biến đối khí hậu như hiện nay.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng nói chung và huyện Mỹ Xuyên nói riêng; trong những năm qua Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh chỉ đạo duy trì mô hình tôm – lúa bền vững. Chỉ đạo ngành nông nghiệp tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn để giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả, đặc biệt là xây dựng các mô hình liên kết chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm con tôm, cây lúa của huyện. Từ đó, diện tích tôm nuôi thiệt hại ngày càng giảm: năm 2014 là 35%, năm 2015 là 22,35%; năm 2016 là 10,28%; năm 2017 là 10,78% và năm 2018 là 12%; ngược lại, sản lượng tôm nuôi ngày càng tăng: năm 2014 là 25.582 tấn, năm 2015 đạt 30.599 tấn, năm 2016 đạt 38.613 tấn, năm 2017 đạt 36.935 tấn và năm 2018 ước đạt trên 36.000 tấn. Diện tích trồng lúa trên nền đất nuôi tôm cũng được duy trì hàng năm khoảng 9.000 ha, với sản lượng 48.000 – 50.000 tấn/năm. Trong những năm gần đây, nhiều Hợp tác xã, Tổ hợp tác trên địa bàn huyện đã ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn,…) và tiêu thụ sản phẩm đầu ra với một số công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, có một Hợp tác xã nuôi tôm đạt chứng nhận VietGAP; năm 2017, có 9,5ha lúa trên nền đất nuôi tôm đạt chứng nhận lúa hữu cơ.
Hình thành từ cuối năm 2014 từ một Tổ hợp tác nông dân, Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê là một trong những Hợp tác xã tiêu biểu đã thực hiện rất thành công mô hình tôm – lúa. Khi mới thành lập, hợp tác xã chỉ có 16 thành viên với 17ha diện tích nuôi tôm, trong đó diện tích để làm lúa trên nền tôm là 9ha; với diện tích này, Hợp tác xã đã sản xuất được 9 tấn tôm và 54 tấn lúa, mang lại lợi nhuận 517.800.000 đồng (bình quân thu nhập mỗi thành viên 32,36 triệu đồng/năm). Nhờ áp dụng mô hình tôm – lúa và làm ăn hợp tác, sản lượng tôm và lúa của Hợp tác xã ngày càng tăng và càng thu hút được nhiều người dân xin tham gia vào Hợp tác xã: năm 2015 Hợp tác xã có 29 thành viên với tổng diện tích đất sản xuất 27ha, sản lượng tôm đạt 56,54 tấn, sản lượng lúa đạt 108 tấn, lợi nhuận đạt 2.135.300.000 đồng; năm 2016 tăng lên 63 thành viên với diện tích 68ha, sản lượng tôm đạt 90,83 tấn, sản lượng lúa đạt 174 tấn, lợi nhuận 2.922.565.000 đồng và năm 2017 đã tăng lên 71 thành viên với 81ha đất sản xuất, sản lượng tôm đạt 141 tấn, sản lượng lúa đạt 195 tấn, lợi nhuận đạt 5.963.100.000 đồng (thu nhập bình quân mỗi thành viên đạt gần 84 triệu đồng/năm). Được sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án, Hợp tác xã thực hiện sản xuất tôm – lúa theo hướng VietGAP, từ đó đã đạt được nhiều danh hiệu như Hợp tác xã tiên tiến do UBND huyện phong tặng tại Hội nghị điển hình tiên tiến huyện Mỹ Xuyên lần thứ IV (2011 – 2015); giải thưởng Hợp tác xã Thủy sản tốt nhất năm 2015 – 2016 tại Hội chợ triển lãm ngành chăn nuôi và chế biến thịt Vietstock 2016, và nhiều giải thưởng khác trong các Hội thi, Hội nghị,… Đặc biệt, trong năm 2018, Hợp tác xã sẽ kí kết hợp đồng sản xuất lúa hữu cơ với một doanh nghiệp trên tổng diện tích 15 ha. Đây cũng là hướng đi mới của vùng tôm – lúa Mỹ Xuyên nhằm nâng cao giá trị con tôm, cây lúa, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của huyện trong thời gian tới./.
Vụ Kế hoạch- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
“Dự án “Tăng cường Bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm tại Đông Nam Á,giai đoạn 2- Graisea 2” được tài trợ bởi Đại sứ quá Thuỵ Điển tại Thái Lan, do Tổ chức Oxfam và Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS) phối hợp thực hiện tại 2 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Mục tiêu chính của dự án: “Thay đổi cuộc sống của những người sản xuất quy mô nhỏ và người lao động trong kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam thông qua tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong phát triển chuỗi giá trị tôm/lúa gạo bền vững và thích ứng với khí hậu “.
Trong hơn 2 năm thực hiện dự án, Trung tâm ICAFIS đã cùng đồng hành với HTX Nông ngư Hoà Đê nhằm hỗ trợ cải thiện phát triển mô hình tôm-lúa, thúc đẩy liên kết với các DN thu mua tôm lúa như Stapimex, xây dựng liên kết vùng tôm lúa Hoà Tú 1. Và trong thời gian tới, ICAFIS- Dự án Graisea 2 sẽ tiếp tục đồng hành, thúc đẩy nhiều hơn để đưa các HTX phát triển hơn . “