Sản xuất bền vững tôm lúa đang là xu hướng phát triển nông nghiệp hiện nay của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất là khi biến đổi khí hậu và các ảnh hưởng thời tiết, xâm nhập mặn đang gây ảnh hưởng đến sản xuất và kinh tế của người dân.
Khu vực vùng tôm lúa Phước Long là một trong những vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu với diện tích vùng chuyển đổi luân canh tôm – lúa của huyện Phước Long hơn 10.000 ha. Mô hình tôm -lúa là mô hình khép kín có tính hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó người nuôi phải tự cải thiện các phương pháp nuôi tôm và trồng lúa để cân bằng lẫn nhau. Trồng lúa trong ao tôm nhằm hạn chế độc tố cho môi trường nuôi tôm, giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế một phần dịch bệnh cho tôm. Trong khi đó, qua mỗi vụ nuôi tôm sẽ có thêm một lượng phù sa bồi lắng nên đất có độ màu mỡ cao từ đó giảm được lượng phân bón cho lúa.
Tiếp nối thành công từ việc ký kết thu mua tôm sạch giữa HTX Quyết Tâm và công ty đầu tư công nghệ và dịch vụ Cửu Long trong tháng 8. Ngày 8/9, dưới sự thúc đẩy của các bên Trung tâm Khuyến nông, dự án Gef và Trung tâm ICAFIS, ban giám đốc và bà con HTX Quyết Tâm tiếp tục ký kết thu mua bao tiêu sản phẩm lúa giữa HTX Quyết Tâm và Côn ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú. Trong đó, Trịnh Văn Phú sẽ thực hiện liên kết 160ha diện tích tôm lúa, trong đó công ty sẽ hỗ trợ 50% giống cho dân, hỗ trợ tăng giá thêm 150-200%. Bước đầu sẽ thực hiện áp dụng chứng nhận Global GAP, sau đó nâng cấp lên thực hiện các tiêu chuẩn hữu cơ khi có đầy đủ điều kiện.
Như vậy có thể thấy, việc đồng hành giữa Doanh nghiệp và người nuôi là việc hết sức cần thiết để đảm bảo nguồn cung chất lượng và đầy đủ. Người nông dân cũng giảm được gánh lo về việc tiêu thụ đầu ra không bị ép giá đồng thời cải thiện được kinh tế cho hộ nuôi và HTX, khi mà giá trị sản phẩm của họ được đẩy cao về mặt chất lượng và giá cả.
Hy vọng rằng với sự hợp tác Liên kết chân thành, thiết thực, vì lợi ích chung của các bên sẽ góp phần cho sự phát triển bền vững Chuỗi giá trị Tôm – Lúa tỉnh Bạc Liêu.
Ngọc Trang- ICAFIS